Cà rốt bổ dưỡng – ‘sâm của nhà nghèo’
Cà rốt được trồng nhiều ở Đà Lạt và các tỉnh phía Bắc, có bán khắp các chợ trên cả nước. Nó là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn bình dân cũng như tiệc tùng sang trọng. Cà rốt hay dùng xào, nấu, làm gỏi, làm nộm muối dưa, làm mứt, xay nước uống đều tốt…
Cà rốt.
Theo Y học cổ truyền, cà rốt có vị ngọt hơi ấm. Tác dụng bổ tỳ, trợ thận, dưỡng huyết, ích khí, cầm tả, trừ hàn thấp…
Theo Sách Dược tính chỉ nam, củ cà rốt vị ngọt tính ấm không độc. Chủ trị hạ khí bổ trung tiêu, thông lợi. Ngoài ra còn tốt trường vị, yên 5 tạng, ăn ngon dễ tiêu, tăng sức khỏe. Theo sách Bản thảo cương mục, cà rốt hạ khí bổ trung, lợi hung cách, tràng vị, an ngũ tạng.
Theo dược tính hiện đại, trong 100g cà rốt có 85,5g nước; protid 1,5g; glucid 8,8g; cellulose 1,2g; chất tro 0,8 và nhiều vi lượng muối khoáng cần thiết khác. Ngoài ra chứa lượng lớn caroten, vitamin A rất tốt cho sự phát triển trẻ em và người lớn. Trong 100g cà rốt ăn được cung cấp cho cơ thể 39 calo.
Cà rốt là vị thuốc chữa tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, phổi yếu ho hen, thấp khớp. Ngoài ra còn trị thống phong, vữa xơ động mạch tăng huyết áp, suy gan, yếu thận. Phụ nữ nuôi con ít sữa, người bệnh ngoài da dùng đều tốt.
Nước ép cà rốt – thức uống lý tưởng cho người cao huyết áp.
Bài thuốc có cà rốt
Chữa tăng huyết áp: Củ cà rốt ăn sống hoặc ép lấy nước uống, ngày 1-2 củ.
Chữa tiêu chảy: Cà rốt tươi 100g, chuối tiêu 1-2 quả, gạo rang vàng 100g, chút muối, gừng tươi. Tất cả nấu nhừ lấy nước uống, hoặc ăn cả cái.
Chữa đau dạ dày: Hạt cà rốt sao chín nghiền mịn mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần 6 -8g.
Chữa trẻ em lên sởi: Cà rốt, rau mùi, mỗi vị 100g; xay ép nước uống.
Chữa mắt kém, mắt quáng gà: Cà rốt xào, hoặc nấu canh, xay nước uống nhiều ngày.
Các món từ cà rốt như xào, nấu canh, ép nước uống rất tốt cho người mắt kém, mắt quáng gà.
Nhiều tài liệu gần đây đã chứng minh cà rốt có tác dụng đào thải chất độc, chống lão hóa. Cà rốt còn hạn chế phát triển của vi khuẩn có hại cho đường ruột, ngừa ung thư. Cà rốt bổ khí huyết, còn được xem như “nhân sâm của nhà nghèo”.
Theo BS. Nguyễn Phan Trúc Nguyên/SKĐS