ETF ngoại tranh mua, VN-Index cao nhất lịch sử
VN-Index đã vượt đỉnh lịch sử hôm nay.
Các quỹ ETF ngoại tái cơ cấu hôm nay và phải mua thêm cho đảm bảo tỷ trọng. Lực cầu này góp phần đẩy vọt giá nhiều cổ phiếu, nhưng cơ bản vẫn là sức mua tốt của dòng tiền nội. VN-Index đã chính thức có đỉnh lịch sử mới.
Sau đúng 10 phiên vất vả với nhịp điều chỉnh của cổ phiếu ngân hàng, VN-Index hôm nay đã đóng cửa vượt qua đỉnh cao lịch sử xác lập được hôm 4/6 vừa qua. Cổ phiếu ngân hàng “chuộc lỗi” cho cả nhóm là VCB.
VCB tăng rực rỡ 4,13% cũng xóa đi “vết nhơ” đứng ngoài sóng cổ phiếu ngân hàng suốt từ đầu năm đến nay. Mức tăng cực mạnh phiên này cũng đưa VCB vượt qua đỉnh lịch sử của chính mình, đạt mốc 108.500 đồng.
Cầu ngoại khá ấn tượng ở VCB, khi mua vào gần 1,87 triệu cổ, tương đương 58% thanh khoản. Giá trị mua ròng đạt khoảng 131,5 tỷ đồng. VCB đóng góp 4,3 điểm cho VN-Index, là trụ khỏe nhất.
Các cổ phiếu ngân hàng còn lại cũng tăng khá, nhưng đóng góp cho chỉ số khá giới hạn. Có thể kể tới CTG tăng 1,39%, HDB tăng 1,93%, MBB tăng 1,63%, TCB tăng 1,59%. Tuy nhiên không có cổ phiếu nào vượt được đỉnh lịch sử của chính mình như VCB. Đơn giản vì các cổ phiếu này vẫn đang điều chỉnh từ đỉnh cao cách đây 2 tuần.
Mạnh hơn các mã ngân hàng là nhóm trụ truyền thống: VHM tăng 3,21%, MSN tăng 3,4%, SAB tăng 3,13%. Trong số này VHM cũng vượt được đỉnh lịch sử của chính mình, dù về cuối phiên sức ép bán ra không phải là nhỏ. VHM cũng được khối ngoại mua vào gần 1,35 triệu cổ, chiếm 28% thanh khoản và mức ròng là 103,5 tỷ đồng. VHM tăng giá cao nhất tới 6,42% và cuối phiên có tụt xuống. Dù vậy mã này vẫn đóng cửa ở giá cao nhất lịch sử.
Phiên chiều nay các quỹ ETF ngoại tái cơ cấu là điều có thể đoán trước. Tuy vậy không hiểu các quỹ này sẽ mua bán thế nào trong điều kiện hệ thống giao dịch khó có thể tải nổi. Thực vậy, đợt ATC không hề có màn đấu lệnh thường thấy, sàn HoSE khớp có 195,7 tỷ đồng, rổ VN30 khớp 105,7 tỷ đồng. Thực sự không rõ ETF giao dịch kiểu gì?
Thế nhưng khối ngoại vẫn được ghi nhận mua ròng rất mạnh trong phiên chiều. Tổng giá trị mua ròng sàn HoSE cuối phiên là gần 646 tỷ đồng. Mức này còn rất nhỏ so với các đợt tái cơ cấu trước đây, nhưng cuối phiên sáng khối ngoại đang bán ròng 76 tỷ đồng.
Ngoài VCB và VHM, PDR được mua ròng lớn nhất 239,1 tỷ đồng. HSG được mua ròng 209 tỷ đồng, APH là 158 tỷ, STB khoảng 120 tỷ, VNM gần 97 tỷ, MSN trên 57 tỷ, HNG gần 48 tỷ đồng. Các cổ phiếu này phù hợp với danh mục phải mua thêm của hai quỹ ETF. Phía bán ra có MBB, NVL, CTG, DXG, SSI, VCI.
Thanh khoản sàn HoSE phiên chiều không có gì đặc biệt, giá trị khớp vẫn chỉ khoảng 8.570 tỷ đồng, còn giảm nhẹ hơn 4% so với chiều hôm qua. Tỷ trọng vốn ngoại trong phiên chiều rất cao cho thấy có thể các quỹ đã mua bán trước đợt ATC.
VN-Index và cổ phiếu đã tăng giá mạnh hơn so với phiên sáng. VN-Index cuối phiên sáng mới tăng gần 12 điểm, buổi chiều tăng thêm khoảng 5,9 điểm nữa. Độ rộng thực tế không cải thiện nhiều lắm, với 249 mã tăng/138 mã giảm (cuối phiên sáng là 247 mã tăng/142 mã giảm).
Các nhóm cổ phiếu “thời thượng” gần đây như chứng khoán, dầu khí, mía đường hay thủy sản dù tăng giá nhưng đà tăng lại không bùng phát như các phiên trước. SSI, FTS tham chiếu, VND giảm 0,46%, HCM tăng không đáng kể 0,34%, MBS tăng 0,68%, SHS tăng 0,24%… Duy nhất VCI tăng kịch trần là do điều chỉnh giá.
Hà Thanh/TH