Hà Nội: Đẩy mạnh bán hàng online, bán hàng 24/7

147

UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị… dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết.

Hà Nội tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp phân phối, siêu thị… dự trữ hàng hóa thiết yếu. Ảnh: VGP/Gia Huy

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi các sở, ngành liên quan nhằm bảo đảm lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Theo đó, Sở Công Thương phải thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch đảm bảo hàng hóa trên cơ sở dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa trong và ngoài Thành phố để tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, của hàng thực phẩm trên địa bàn Thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.

Chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết…

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các điểm bán hàng được phép (nếu có) đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; bố trí khu vận chuyển hàng hóa trung gian, kho bãi, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; chỉ đạo các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ xây dựng phương án cụ thể quản lý số lượng người ra, vào trong chợ cùng một thời điểm đảm bảo phòng, chống dịch.

Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị lập danh sách về nhu cầu vận chuyển, điểm đi – đến của các phương tiện lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Hà Nội, gửi Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố tạo điều kiện, ưu tiên trong việc kiểm tra, kiểm soát, phân luồng giao thông để kịp thời vận chuyển, cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội và báo cáo Bộ Giao thông vận tải cấp phép vận chuyển theo “luồng xanh” đối với các doanh nghiệp tham gia lưu thông trên toàn quốc.

Rà soát, cung cấp đầy đủ thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất sản phẩm nông sản (rau củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản,…) trên địa bàn Thành phố, gửi Sở Công Thương, cùng các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm… phục vụ cho hoạt động khai thác bổ sung, cung ứng hàng hóa thiết yếu phòng, chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất có phương án bố trí nhân sự, phương tiện thu hoạch kịp thời, vận chuyển hàng hóa nông sản thực phẩm (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm… với giá cả ổn định, đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Ngoài ra, rà soát lại các vùng sản xuất để chuyển đổi, mở rộng sang sản xuất rau, củ, thủy sản,… có thời gian thu hoạch ngắn, nhằm chủ động nguồn hàng thiết yếu tự cung, tự cấp cho nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô ở mức cao nhất trong các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Sở Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu, ban hành nội dung hướng dẫn các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh, thành phố hoạt động trên địa bàn Hà Nội, thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời đảm bảo thực hiện các quy định của Chính phủ và Thành phố về giao thông vận tải, phòng chống dịch và lưu thông hàng thiết yếu trong điều kiện ứng phó các tình huống dịch COVID-19.

Xây dựng phương án tổ chức “luồng xanh” trong nội thành cho phương tiện chở hàng hóa, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội để kịp thời đến các kho hàng, điểm bán lẻ và từ các tỉnh, thành phố lưu thông qua địa bàn Hà Nội. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố (theo đề xuất của doanh nghiệp và danh sách Sở Công Thương giri) được cấp “luồng xanh” để lưu thông thuận lợi trên địa bàn Thành phố, qua các chốt, trạm kiểm soát.

Thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải đề xuất Bộ Giao thông vận tải sớm công bố bản đồ “luồng xanh” đối với các tỉnh phía Bắc để các doanh nghiệp nắm bắt, tham gia giao thông thuận tiện đảm bảo hỗ trợ nhanh nhất việc vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Sáng ngày 27/7, UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội bắt đầu triển khai việc phát thẻ vào chợ cho người dân và phiếu giới hạn số lượng người mua sắm tại chợ Nhật Tân.

Theo đó, mỗi hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và Chủ nhật. Buổi sáng từ 5h30 đến 6h30 và buổi chiều từ 15h30.

Việc sử dụng phiếu ra vào chợ theo số thứ tự để giới hạn số lượng người đi chợ vào cùng một thời điểm, hạn chế số lượng người tập trung đi chợ, thực hiện giãn cách theo quy định, tránh sự tiếp xúc giữa nhiều người và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Dự kiến, bắt đầu từ ngày mai (28/7), 100% người dân trên địa bàn sẽ có thẻ đi chợ được phân chia theo ngày.

Hiện Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Hòa An-Thiện Tâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM