Lý do bất động sản vẫn hút khách trong dịch

Nhu cầu sở hữu bất động sản luôn hiện hữu trong khi nguồn cung yếu khiến thị trường địa ốc vẫn hút khách, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh.

Giá nhà tăng từ bộ đôi lực cầu

Dù ảnh hưởng bởi dịch, bất động sản vẫn là một trong những kênh đầu tư hàng đầu hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Tại Mỹ, lượng nhà bán ra năm qua đạt mốc cao nhất trong vòng 14 năm. Tại Hong Kong, giá trung bình một căn hộ 46m2 tại một số quận thậm chí lên tới 1,2 triệu USD (khoảng 27 tỷ đồng).

Tại Việt Nam, báo cáo tháng 7 của kênh thông tin batdongsan.com.vn cho thấy xu hướng tăng giá đang diễn ra ở Hà Nội và TP HCM. So với cùng kỳ năm 2020, giá chung cư hai thành phố này tăng lần lượt 7% và 10%.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân của việc tăng giá trước hết bởi chung cư là sản phẩm phục vụ nhu cầu và kế hoạch sinh sống dài hạn của người dân. Phát biểu tại sự kiện “Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường” diễn ra hồi tháng 7, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, với tốc độ đô thị hóa khoảng 1%, mỗi năm các đô thị tại Việt Nam có thêm một triệu người, tương đương nhu cầu 25-30 triệu m2 sàn nhà ở. Diện tích này trong nhiều năm không thể đáp ứng và tích tụ tạo nên nguồn tổng cầu cực lớn.

Dòng cầu theo giới chuyên gia thậm chí còn được gia tăng trong thời điểm dịch bệnh bởi trong suốt thời gian giãn cách khó khăn, nhu cầu cốt lõi về chỗ ở ngày càng lớn. Khi tất cả những nhu cầu khác về ăn, mặc, đi lại, vui chơi giải trí đều hạn chế, một cuộc chiến giành không gian nổ ra là kết quả tất yếu.

Ở hướng ngược lại, trong khi tổng cầu ngày một lớn thì nguồn cung trên thị trường bất động sản vẫn khan hiếm. Số liệu 6 tháng đầu năm từ Savills chỉ ra, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội giảm 13% theo quý và tới 27% theo năm. Tương tự là TP HCM với nguồn cung sơ cấp quý 2 năm nay giảm tới 25% so với quý đầu năm.

Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội. Ảnh: Vinhomes

Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội. Ảnh: VH.

Bên cạnh áp lực từ khan hiếm nguồn cung, nhiều chuyên gia nhận định giá nhà sẽ khó giảm do áp lực về chi phí đầu vào. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, giá đất đền bù giải phóng mặt bằng đang cao khi giá đất ở các địa phương đang được điều chỉnh tăng 10-15%, vật liệu xây dựng tăng giá 40-50% nên giá nhà, đất khó giảm.

Dưới góc độ khác, chuyên gia bất động sản Phạm Thanh Hưng lý giải sự cất cánh của thị trường bất động sản phần lớn đến từ việc lo sợ sự khủng hoảng về kinh tế, lạm phát của đồng tiền như đã từng xảy ra với các cuộc khủng hoảng trước đó. Điều này khiến dòng tiền có thiên hướng đổ về những thị trường có tính chất giữ tiền dài hạn như bất động sản.

Thị trường sẽ có mặt bằng giá mới

Tại sự kiện “Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội đồng tình về một triển vọng thiết lập bằng mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, bà lưu ý, mức tăng không phải ở tất cả các dự án mà chỉ tập trung ở một số nơi có chất lượng tốt.

Những dự án có chất lượng tốt sẽ hút khách. Ảnh: Vinhomes

Những dự án có chất lượng tốt sẽ hút khách. Ảnh: VH.

Theo ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland, điểm đến của thị trường sẽ tập trung vào những đại đô thị của chủ đầu tư uy tín như Vinhomes hoặc một vài đại gia tiềm lực khác. Đây là những nơi tạo ra giá trị thật bởi nhu cầu dịch chuyển từ những khu vực nhà trong ngõ, những nơi không tiện ích sang các khu đô thị phức hợp với hạ tầng đồng bộ, hệ sinh thái đầy đủ. Thời gian dịch bệnh càng khiến nhiều người muốn một tổ ấm yên tâm với những tiện nghi, dịch vụ ngay tại nơi sinh sống.

“Một số khu đô thị lớn thì chỉ cần sáng đèn 50%, giá trị bất động sản có thể tăng 20-30%”, ông Khiêm tổng kết.

Tâm Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM