Tập đoàn giáo dục Việt Nam được KKR rót vốn lên tới 100 triệu USD

Quỹ KKR Global Impact thuộc KKR – một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới, vừa công bố đầu tư vào Tập đoàn Giáo dục EQuest. Nguồn vốn lên tới 100 triệu USD, theo nguồn tin của DealStreetAsia.

Tập đoàn đầu tư toàn cầu KKR vừa công bố đầu tư vào Tập đoàn Giáo dục EQuest để hỗ trợ kế hoạch mở rộng của EQuest. Theo nguồn tin nước ngoài, thương vụ đầu tư đến sau vòng gọi vốn lên tới 100 triệu USD và nằm trong kế hoạch thoái vốn một phần của TAEL Partners, nhà đầu tư trụ sở tại Singapore.

Giáo Dục

Sau Vinhomes và Masan MEATLife, Equest là doanh nghiệp Việt Nam thứ ba được KKR rót vốn đầu tư. Thương vụ này cũng là khoản đầu tư thứ tư trên toàn thế giới về lĩnh vực phát triển giáo dục và lực lượng lao động dựa trên định hướng hỗ trợ quá trình “học tập suốt đời” của Quỹ KKR Golobal Impact.

Bên cạnh vốn rót của KKR, bà Annabelle Vultee, cựu giám đốc điều hành (COO) tại Trung Quốc của tập đoàn giáo dục toàn cầu EF cũng gia nhập hội đồng quản trị (HĐQT) của EQuest.

Đôi nét về Equest

Được thành lập từ năm 2003 với tên gọi ban đầu Equest Academy, năm 2013, Equest sáp nhập với hệ thống giáo dục IAE (thành lập từ năm 1999) và trở thành một trong những tổ chức giáo dục tư nhân lớn nhất Việt Nam. Công ty hoạt động dưới tên pháp nhân IAE đến năm 2019 thì đổi tên như hiện nay.

Công ty do những cá nhân du học tại Mỹ, Anh, Úc và Đức xây dựng và do ông Nguyễn Quốc Toàn làm chủ tịch HĐQT. Hai nhân sự từ TAEL Partners là Chew Mei Ying và Michael Sng Beng Hock cũng trong HĐQT.

Equest hiện sở hữu và vận hành 16 cơ sở giáo dục gồm bốn khối: Mẫu giáo – Lớp 12, sau phổ thông, trung tâm Anh ngữ và ngoại khóa, và công nghệ giáo dục (edtech). Tập đoàn cũng cung cấp dịch vụ cho học sinh muốn lấy chứng chỉ quốc tế hay học tại nhà (homeschooling).

Một số thương hiệu của Tập đoàn bao gồm: Newton School, Ivy Global School, Đại học Phú Xuân, Broward College, Anh ngữ Việt Mỹ VATC, Cao đẳng Việt Mỹ, Viện phát triển tài năng iTD, IvyPrep Education, Hệ thống giáo dục thực nghiệm Victory, Newton Grammar School, Trung cấp bách khoa Sài Gòn và mới đây nhất là Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội. Hệ sinh thái do Tập đoàn xây dựng có đến hơn 110 nghìn học sinh, sinh viên theo học mỗi năm.

Sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái Equest là dựa vào mô hình mua lại rồi xây dựng (buy-and-build model). Tính tới hiện tại, Tập đoàn đã đầu tư và mua lại 18 trường và cơ sở giáo dục.

Tiềm năng của lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam

“Đầu tư vào Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp và ngành nghề của Việt Nam là một chiến lược chủ chốt của KKR tại châu Á”, ông Ashish Shastry, đồng Tổng giám đốc Quỹ đầu tư tư nhân ở châu Á (Asia Private Equity) và lãnh đạo bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á của KKR cho biết.

Ông Shastry khẳng định khi kinh tế Việt Nam ngày một nâng cao, khả năng tiếp cận với các giải pháp giáo dục chi phí hợp lý và chất lượng cao đóng vai trò quan trọng để đạt được các mục tiêu quốc gia.

Chỉ trong vòng vài năm, luồng vốn đầu tư lớn vào các trường quốc tế cho thấy tiềm năng phát triển của giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Chẳng hạn: Cognita mua Trường Quốc tế TP.HCM (International School of HCMC – ISHCMC) và Trường Tiểu học Saigon Pearl, Quỹ North Anglia mua Trường Quốc tế Anh Quốc (British International School), quỹ đầu tư Mỹ TPG sáp nhập Trường Việt – Úc (VAS), EQT đầu tư vào ILA, IFC đầu tư vào Hội Việt Mỹ (VUS) và Mekong Capital đầu tư và trung tâm tiếng Anh YOLA.

Trên thực tế, với quy mô dân số lên đến 100 triệu người, lớn thứ ba ở Đông Nam Á và cơ cấu dân số trẻ, trong khi hệ thống giáo dục còn thiếu và bất cập, Việt Nam còn nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực giáo dục.

Hà Thanh/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM