Tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động của trẻ em Việt Nam

189
Trẻ em thừa cân béo phì tăng mạnh
Theo thông tin được đưa ra tại hội nghị khoa học An toàn thực phẩm và an ninh lương thực do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 15/12, trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang tăng lên gấp 10 lần từ năm 1976 đến nay, trong khi 23% trẻ em tại Việt Nam bị thấp còi, 12% bị nhẹ cân.
Theo một nghiên cứu duy nhất của Hội dinh dưỡng Việt Nam, TP.HCM có 41,4% học sinh bị thừa cân và béo phì. Trẻ em tại thành thị mắc bệnh béo phì nhiều hơn so với nông thôn.
Cảnh báo tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em  - 1
Những biến chứng nguy hiểm 
Không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, béo phì còn gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khác cho trẻ, bao gồm:  
Thoái hóa khớp, đau thắt lưng: khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Hệ nội tiết, chuyển hóa: tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút,
Rối loạn tiêu hóa: dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup  (HFCS) có trong nước có ga và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ
Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.
Hệ tim mạch: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.
Hệ hô hấp: giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm
Mắc bệnh mãn tính khi tuổi trưởng thành. Trẻ thừa cân, béo phì có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ…
Béo phì ở trẻ em có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trẻ thừa cân và béo phì dễ bị phân biệt đối xử bởi các bạn đồng trang lứa. Bên cạnh đó, thừa cân béo phì có thể khiến trẻ bị chứng rối loạn ăn uống sau này, khiến trẻ ăn uống không lành mạnh.
Các biện pháp phòng chống thừa cân- béo phì cho trẻ em
Nhìn chung thừa cân béo phì cũng như các bệnh mạn tính liên quan có thể phòng và dự phòng được với các giải pháp trong việc cải thiện môi trường sống.
Hai giải pháp then chốt trong cộng đồng với mục tiêu ngăn ngừa sự gia tăng của thừa cân béo phì bao gồm: nâng cao hoạt động thể lực và cải thiện chất lượng khẩu phần ăn dựa trên các thực phẩm sẵn có ở địa phương. Mục tiêu chính của can thiệp là khuyến khích nâng cao mức hoạt động thể lực và lối sống năng động, bên cạnh đó hạn chế những thức ăn nhiều năng lượng cao, nhiều chất béo, đường ngọt và tăng cường sử dụng các thực phẩm lành mạnh tại địa phương.
Khuyến khích lối sống tích cực năng động (hoạt động thể lực, thường xuyên vận động); hạn chế xem ti vi, chơi game trên các thiết bị máy tính; khuyến khích sử dụng khẩu phần ăn nhiều rau và trái cây; hạn chế khẩu phần ăn gồm các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng (như các đồ ăn vặt đóng gói, các thức ăn chế biến sẵn nhiều calo, nhiều chất béo no); hạn chế khẩu phần đồ uống có đường; theo dõi cân nặng, chiều cao để duy trì cân nặng (BMI) hợp lý.
Thu Hà
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM