Vì sao bạn nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng?

140
Nhiều ứng viên quan niệm, phỏng vấn xin việc là quá trình trả lời mọi câu hỏi do nhà tuyển dụng đặt ra. Chỉ cần tập trung trả lời tốt câu hỏi, bạn sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên ứng viên không biết rằng, việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng có vai trò tương đương như bạn trả lời câu hỏi. Thậm chí đó chính là cách để bạn bộc lộ tố chất, kỹ năng và điểm mạnh một cách nổi bật nhất.

Dưới đây là 5 tác dụng lớn từ việc chủ động đặt câu hỏi mà bạn sẽ nhận được nếu thực hiện tốt trong các cuộc phỏng vấn.

Thể hiện sự quan tâm, nhiệt tình với công việc

Không nhà tuyển dụng nào muốn lựa chọn nhân sự thờ ơ với chính công việc họ ứng tuyển ngay trong cuộc phỏng vấn. Biểu hiện rõ nhất của điều đó là ứng viên không phản biện, không muốn làm rõ, tìm hiểu thêm về công việc. Thậm chí khi nhà tuyển dụng gợi mở bằng cách hỏi “Bạn có muốn biết thêm thông tin gì về công ty chúng tôi không?”, ứng viên cũng im lặng hoặc trả lời cho có. Với biểu hiện đó, ngay lập tức, nhà tuyển dụng đánh giá bạn thiếu nhiệt tình với công việc.

Ngược lại, ứng viên coi trọng vị trí ứng tuyển, họ sẽ tìm mọi cơ hội để được hỏi. Họ muốn làm rõ thông tin về doanh nghiệp, muốn hiểu rõ hơn về công việc, về thu nhập, chế độ phúc lợi… Nói cách khác, khi đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng, bạn thể hiện mức độ coi trọng, trách nhiệm với công việc. Điều này luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Thể hiện năng lực, phẩm chất 

Nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên qua nhiều tiêu chí, trong đó có cả trả lời câu hỏi và đặt câu hỏi. Nhưng không phải ứng viên nào cũng biết cách và dám đặt câu hỏi. Cũng không phải câu hỏi nào cũng được đánh giá cao. Điều đó có nghĩa, nội dung câu hỏi và cách hỏi thể hiện khả năng quan sát, tư duy và cách đặt vấn đề của ứng viên.

Thông qua câu hỏi, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn có tố chất và năng lực gì phù hợp với điều họ tìm kiếm. Đặc biệt ứng viên có kinh nghiệm, ứng tuyển ở vị trí cao thì đôi khi nhà tuyển dụng đánh giá họ thông qua câu hỏi nhiều hơn câu trả lời. 

Do đó bạn phải quan sát, chú tâm vào buổi trao đổi để phát hiện vấn đề và đưa câu hỏi phù hợp. Thông qua đó, gián tiếp khẳng định sự thông minh, kinh nghiệm, phẩm chất của bạn.

Thể hiện giao tiếp chủ động, tự tin

Những ứng viên rụt rè, nhút nhát, giao tiếp kém thường sẽ không đặt câu hỏi, cho dù được gợi ý. Chỉ ứng viên có sự linh hoạt ngôn ngữ, diễn đạt trôi chảy, ứng xử khéo léo mới tự tin đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng.

Vậy nên thông qua việc đặt câu hỏi, bạn thể hiện sự chủ động trong cách tiếp nhận và trao đổi thông tin. Đồng thời, nó cũng phản ánh khả năng lắng nghe, sự tập trung của bạn. Đây đều là kỹ năng giao tiếp được nhà tuyển dụng đánh giá cao và luôn tìm kiếm từ ứng viên.

Tôn trọng và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng

Không nhà tuyển dụng nào nhớ một cuộc phỏng vấn nhạt nhẽo. Chưa kể, mỗi ngày hàng chục cuộc phỏng vấn khác nhau, nhà tuyển dụng sẽ khó nhớ bạn là ai nếu không thật sự nổi bật. Nhưng họ sẽ nhớ một buổi phỏng vấn chất lượng với ứng viên có nhiều câu hỏi giá trị. Họ sẽ nhớ cảm giác thoải mái chia sẻ, trao đổi với ứng viên. Đó là thiện cảm bạn tạo ra nhờ câu hỏi khéo léo.

Hơn nữa, đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho họ. Bằng cách nào đó, bạn hãy để nhà tuyển dụng khẳng định giá trị như việc chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp, cung cấp thông tin… Thông qua đó, nhà tuyển dụng thấy được giá trị của họ.

Thay vì để nhà tuyển dụng phải lắng nghe thì bạn hãy lắng nghe họ. Hãy tạo cơ hội cho họ được thể hiện, đó cũng là lúc, bạn trao cơ hội cho mình.

Giúp tăng chất lượng buổi phỏng vấn

Phỏng vấn là quá trình trao đổi hai chiều. Nó sẽ không đạt được kết quả mong muốn nếu đơn thuần chỉ là trao đổi một chiều. Khi đó, ứng viên có thể không bộc lộ được hết năng lực, còn nhà tuyển dụng cũng có thể bỏ lỡ ứng viên tiềm năng.

Sự tương tác của hai bên, sự chủ động trong trả lời, phản biện và đặt câu hỏi của ứng viên sẽ giúp tăng chất lượng buổi phỏng vấn. Thêm nữa, quá trình trao đổi cởi mở cũng giúp hai bên có ấn tượng tốt về nhau. Dẫu lần phỏng vấn này không đạt kết quả mong muốn thì có thể, cơ hội vẫn còn cho cả 2 trong những đợt tuyển dụng khác.

Trên đây là những lợi ích cơ bản từ việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng của ứng viên. Với lợi ích này, bạn đừng quên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng nhé. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc và lựa chọn câu hỏi “đắt giá” vì không phải vấn đề gì, nội dung gì cũng nên hỏi.

Thu Trang/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM