8 bài thuốc cổ truyền phòng trị cảm mạo truyền nhiễm

Bệnh cảm mạo truyền nhiễm tương đồng với bệnh do virus dạng RNA (Influenza virus) được y học hiện đại xếp loại cảm cúm. Nhiễm Coronavirus (COVID-19) và cảm mạo, cảm cúm có nhiều điểm tương đồng.

COVID-19 và cảm mạo, cảm cúm tuy có nhiều điểm tương đồng,nhưng có một vài điểm khác nhau: Cảm cúm biểu hiện sốt, đau nhức toàn thân, nhức đầu, nóng lạnh thất thường; Cảm mạo: sổ mũi, ho có nước và đờm, hay hắt xì hơi; COVID-19: sốt cao trên 39,50C, ho khan, đau cổ họng, khó thở như đuối nước. Viêm phổi thường cũng có 3 triệu chứng này, nhưng COVID-19 thường nhanh hơn.

Lúc đầu bệnh nhẹ, người bệnh có biểu hiện: Nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi, hơi khó chịu. Bệnh nặng thấy rùng mình, gai rét, sợ lạnh, sợ gió, sốt cao (39 – 400C), đầu đau, mắt đỏ, ra mồ hôi, đau nhức các khớp xương (nhất là lưng và xương sống) có khi ù tai, mắt nhức, ho khản tiếng kèm đau họng.

Y học hiện đại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị giảm các triệu chứng sốt, ho và tắc mũi (acetaminophen, ibuprofen, siro ho…). Trong nhiều trường hợp có thể kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền cho hiệu quả trị bệnh cao hơn.

Cảm mạo truyền nhiễm có nhiều điểm tương đồng với COVID-19 như: sốt, ho khan, đau cổ họng, khó thở… 

Cảm cúm xuất hiện trong 4 mùa, nhưng hay gặp vào mùa đông. Đông y gọi là mắc phong nhiệt; phong nhiệt gây ra cảm mạo truyền nhiễm (hay cảm cúm). Phong nhiệt xâm phạm vào phần da, phế; làm mất công năng tuyên giáng của phế, kết hợp vệ khí bị trở ngại phát sinh các chứng ho, sốt, sợ gió, không sợ lạnh, mũi khô, mạch phù sác. Bệnh do phong nhiệt gây ra nên phải phát tán phong nhiệt (dùng thuốc tân lương giải biểu).

Nên cách ly người bệnh từ 3 – 5 ngày; người tiếp xúc phải đeo khẩu trang. Cho bệnh nhân ngửi dầu gió, nhỏ nước tỏi; xúc miệng bằng nước muối hàng ngày và giữ ấm cổ.

Có thể lựa chọn trong các bài thuốc sau để điều trị

Bài 1: thanh hao 80g, địa liền 40g, cà gai leo 40g, tía tô 40g, kinh giới 80g, kim ngân 80g. Tán bột. Ngày uống 16 – 20g, hãm với 3 – 4 lát gừng tươi hoặc nước sôi.

Bài 2: kinh giới 60g, thạch cao 60g, bạc hà 60g, phác tiêu 15g, bạch phàn 30g. Tán bột, Ngày uống 4 – 8g, chia làm 2 lần uống.

Bài 3 – Tang cúc ẩm: lá dâu 10g, cúc hoa 4g, liên kiều 6g, bạc hà 4g, hạnh nhân 8g, cát cánh 8g, cam thảo 4g, lô căn 6g. Sắc uống. Ngày có thể uống 2 thang.

Cúc hoa là vị thuốc trong bài “Tang cúc ẩm” trị cảm mạo truyền nhiễm, tương đồng với COVID-19.

Bài 4 – Ngân kiều tán: kim ngân hoa 40g, liên kiều 40g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, lá tre 4g, cam thảo 20g, đậu xị 20g, kinh giới hoa 16g, ngưu bàng tử 24g. Tán bột, lấy 24g bột sắc uống. Ngày có thể uống 3 – 4 lần tùy theo bệnh nặng nhẹ

Bài 5 – Thanh ngân thang gia vị: thanh hao (cho sau) 6g, ngân sài hồ 12g, cát cánh 12g, hoàng cầm 12g, liên kiều 12g, kim ngân hoa 12g, bản lam căn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 6: quán chúng 40g, cam thảo 4g, cúc hoa 8g, bạc hà (cho sau) 6g, đại thanh diệp (nghể chàm)12g, bản lam căn 12g, tang diệp 8g, lô căn 12g. Sắc lấy 200 – 300 ml. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 100 – 150ml. Phòng cúm, chữa cúm thời kỳ đầu; chữa cảm mạo thông thường.

Bạc hà là vị thuốc trị cảm mạo truyền nhiễm rất tốt.

Bài 7: thạch cao sống (sắc trước) 40g, bạc hà (cho sau) 8g, kinh giới tuệ (cho sau) 12g, bản lam căn 12g, cúc hoa 12g, kim ngân hoa 12g, lô căn 12g, đạm đậu sị 16g, đạm trúc diệp 12g, tri mẫu 8g. Sắc lấy 200 – 300 ml. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 100ml – 150 ml. Chữa cảm kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp trên, có sốt, đau họng, nhức đầu, buồn nôn…

Bài 8 – Thuốc thanh giải: kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, địa cốt bì 12g, thanh đại (sắc bao) 4g, bạch vị 12g, sinh địa 12g, hoắc hương (cho sau) 12g, thạch cao (sắc trước) 20g. Sắc uống. Chữa sốt cao không giảm, ra mồ hôi mà không hạ nhiệt độ do cảm nặng và do cúm.

BS. Tiểu Lan ( theo SK&CĐ)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM