Bệnh viêm mũi xoang mùa hè và cách điều trị

Thông thường viêm mũi xoang hay xuất hiện ở những giai đoạn chuyển mùa. Tuy nhiên thời gian gần đây số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm mũi xoang trong mùa hè lại tăng lên đáng kể. Vậy nguyên nhân do đâu?
Viêm mũi xoang là hiện tượng hệ thống niêm mạc của cả mũi và xoang bị kích thích, phù nề và tăng tiết làm hẹp hoặc tắc các lỗ đổ từ các hốc xoang ra ngoài mũi từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong lòng xoang gây ra viêm mũi xoang từ không vi trùng dẫn đến loại viêm mũi xoang có vi khuẩn. Viêm mũi xoang là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, chiếm tỷ lệ 2 – 5% dân số nói chung. 
Nguyên nhân gây bệnh
Sinh lý của xoang dựa vào sự thông khí và dẫn lưu xoang. Hai chức năng này thực hiện được là nhờ các lỗ thông của xoang đổ ra mũi. Nếu lỗ thông xoang bị tắc sẽ dẫn đến viêm xoang.
Mùa hè nắng nóng, bụi bẩn, khói bụi từ xe cộ… là nguyên nhân gây viêm mũi xoang.
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh xoang gia tăng vào ngày hè. Nguyên nhân đầu tiên phải để đến đó chính là thói quen sinh hoạt hàng ngày như việc ăn uống đồ lạnh, uống nước đá lạnh. Thói quen này có thể khiến không ít người bị viêm họng. Mũi và họng lại thông nhau, do đó nếu viêm họng thường xuyên sẽ dẫn đến vi khuẩn xâm nhập lên mũi, ảnh hưởng đến các hốc xoang. Hay sở thích đi bơi cũng là căn nguyên khiến viêm xoang có nguy cơ nặng hơn bởi nguồn nước không đảm bảo. Nước ở các bể bơi công cộng vẫn còn chứa nhiều hoá chất; còn nước ở ao hồ, sông, suối đa phần chứa nhiều vi khuẩn hoặc bị ô nhiễm sẽ không có lợi cho niêm mạc mũi xoang.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột bạn sử dụng điều hòa không hợp lý làm cho hệ thống thảm nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi xoang không kịp thích ứng, độ nhớt giảm, dịch tiết tăng làm lỗ thông mũi xoang không vận chuyển được dịch tắc lại gây viêm mũi xoang.
Mùa hè nắng nóng, bụi bẩn, khói bụi từ xe cộ, nhà máy… cũng nhiều hơn, nhất là ở các thành phố lớn. Chúng bay trong không khí và thâm nhập cơ thể và gây ra các bệnh đường hô hấp, nhất là các bệnh xoang, mũi, họng.
Ngoài những nguyên nhân trên thì một yếu tố khách quan không thể xem nhẹ đó là thời tiết mưa nắng thất thường. Ngày hè có những chuỗi ngày nắng nóng lên tới 40 độ nhưng ngay sau đó có thể là những trận mưa giông đột ngột. Với những người có sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng hay bị viêm xoang sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu.
Nguyên tắc điều trị
Sau khi loại trừ các yếu tố thuận lợi trong viêm mũi xoang mùa hè thì nguyên tắc chung điều trị viêm mũi xoang sẽ giống như các viêm mũi xoang thông thường: đảm bảo dẫn lưu và thông khí xoang tốt.
Tại chỗ: Làm sạch và thông thoáng hốc mũi: xì mũi, rửa mũi, hút dịch và mủ, đặt thuốc co mạch…; nhỏ thuốc: cần phối hợp các loại thuốc co mạch, sát khuẩn và chống phù nề, liệu pháp coticoid tại chỗ kéo dài rất có tác dụng; xông hơi nước nóng: các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được; khí dung mũi xoang: thuốc kháng sinh kết hợp với coticoid.
Toàn thân: Liệu pháp kháng sinh trong 2 tuần có hiệu quả tốt đối với viêm xoang, nên lựa chọn kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ; thuốc chống viêm và giảm phù nề; thuốc giảm đau; thuốc hạ sốt; thuốc nâng cao thể trạng.
Điều trị ngoại khoa: Chọc rửa xoang: thường áp dụng với xoang hàm, xoang trán mạn tính; phương pháp đổi chế Proetz: thường áp dụng với viêm xoang sau mạn tính; phẫu thuật xoang khi điều trị nội khoa thất bại hoặc có sự bít tắc đường dẫn lưu tự nhiên của xoang.
Viêm xoang có thể phòng ngừa theo từng cá thể, thường do nguyên nhân nào nhưng chung nhất vẫn là loại trừ đi các yếu tố nguy cơ và nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang. 

Lời khuyên của thầy thuốc

Có thể chủ động phòng ngừa viêm mũi xoang hiệu quả cần luôn vệ sinh mũi xoang thật sạch, trách những nơi ô nhiễm; trách tiếp xúc khói bụi bằng cách đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; hạn chế bơi lội với những người vốn đã có bệnh xoang mãn tính, niêm mạc mũi xoang yếu; chỉ nên bật điều hoà ở nhiệt độ vừa phải, không nên chênh quá 10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Thường xuyên vệ sinh hệ thống điều hoà nói riêng cũng như nơi ở, nơi làm việc nói chung để tránh vi khuẩn, nấm mốc lưu trú; không nên lạm dụng nhiều đồ ăn thức uống quá lạnh, hạn chế nước đá lạnh; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin để tăng sức đề kháng của cơ thể. 

Hà Phương/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM