Trường THCS Chu Văn An: Dự kiến cộng 20 điểm xét tuyển lớp 6 cho học sinh có IELTS 3.0
Theo dự thảo Kế hoạch tuyển sinh Trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội), trường dự kiến tuyển sinh 280 học sinh khối 6 (8 lớp, mỗi lớp 35 học sinh) với phương thức tuyển sinh được đưa ra gồm:
– Tuyển thẳng: Đối với học sinh đạt giải quốc tế, khu vực, quốc gia về văn hóa (các lĩnh vực Toán, Tiếng Anh, Khoa học; giải Toán bằng Tiếng việt, Tiếng Anh trên Internet… do Bộ, Sở GD-ĐT tổ chức).
– Xét tuyển: Học sinh tiểu học hoàn thành Tốt 3 mặt giáo dục (học tập, năng lực, phẩm chất) liên tục từ lớp 1 đến lớp 5.
Điểm xét tuyển vào trường bằng tổng các điểm: Bài kiểm tra cuối năm của 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh; các giải về văn hoá, thể dục thể thao ở cấp tiểu học do Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức; Chứng chỉ Tiếng Anh.
Cụ thể, cộng điểm cụ thể các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5: học tập xuất sắc là 25 điểm (có 1 điểm 9 trừ 0,25 đ); học tập Tốt là 20 điểm (có 1 điểm 8 trừ 0,25 đ).
Cộng điểm cho những học sinh ở cấp tiểu học đạt giải trong các kỳ thi cấp Thành phố, cấp huyện các môn văn hóa, thể dục thể thao, văn nghệ, mỹ thuật. (có mức điểm cụ thể ở bảng kèm theo).
Trong đó, trường dự kiến đưa ra mức cộng 20 điểm cho những học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh: TOEFL IBT 450; IELTS 3.0 do những đơn vị khảo thí Tiếng Anh được Bộ hoặc Sở GD-ĐT cấp phép (chỉ cộng 1 lần cho chứng chỉ cao nhất).
Trước thông tin trên, nhiều bậc phụ huynh và dư luận xôn xao, lo lắng. Để có thông tin đa chiều PV đã có buổi làm việc với bà Vũ Thanh Tiến – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội).
Trao đổi với PV, bà Vũ Thanh Tiến cho biết: Thông tin nhà trường dự định cộng 20 điểm xét tuyển lớp 6 cho học sinh có IELTS 3.0 là có. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh, đây mới là dự kiến nằm trong dự thảo Kế hoạch tuyển sinh năm học 2021- 2022. Tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn khuyến khích chứ hoàn toàn không phải tiêu chuẩn bắt buộc.
Bà Vũ Thanh Tiến cho biết thêm: Trong dự thảo Kế hoạch tuyển sinh, các tiêu chí để xét tuyển và cộng điểm thì có nhiều. Và tiêu chí cộng điểm của chứng chỉ Tiếng Anh là một tiêu chí đã được áp dụng từ nhiều năm trước chứ không phải năm nay mới dự kiến áp dụng. Mặt khác, dự thảo này không có mục đích đề cao sự quan trọng của các kỳ thi về IELTS hay TOEFL… mà nhằm khuyến khích các em quan tâm, cống gắng học tốt môn Tiếng Anh, đồng thời cũng là để kích lệ tinh thần những em đã và đang cố gắng học tốt môn này.
“Như chúng ta đã biết, Tiếng Anh được hơn 400 triệu người trên toàn thế giới dùng làm tiếng mẹ đẻ, hơn 1 tỷ người dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Ở những quốc gia phát triển có thu nhập đầu người cao nhất trên thế giới đều sử dụng thành thạo tiếng Anh, hoặc được sử dụng phổ biến, được dạy là môn học trong trường…
Đối với Việt Nam, một nước đang đứng trước thời đại phát triển, mở rộng ra với cánh cửa toàn cầu hoá thì các bạn học sinh, sinh viên – những thế hệ tương lai của đất nước, việc học tiếng Anh lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chính vì thế, hệ thống giáo dục của Việt Nam đã đưa tiếng Anh là môn học bắt buộc trên ghế nhà trường từ những năm tiểu học, Tiếng Anh cũng là môn thi tốt nghiệp bắt buộc các cấp. Chúng tôi, những người làm giáo dục luôn khuyến khích động viên học sinh nâng cao trình độ bộ môn này chứ không phải khuyến khích các em chạy đua đi học ở các trung tâm để lấy bằng cấp”, bà Vũ Thanh Tiến chia sẻ.
Trao đổi với PV về dự thảo Kế hoạch tuyển sinh của nhà trường, Bà Vũ Thanh Tiến chia sẻ thêm: Hiện tại, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, lịch học của các em học sinh cũng bị đảo lộn, nhà trường đã đề xuất với Phòng Giáo dục & Đào tạo để báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo tuyển sinh của huyện đưa ra những tiêu chí phù hợp nhất nhằm hoàn thành tốt Kế hoạch tuyển sinh năm học 2021-2022.
Thu Hà