Thói quen không ngờ khiến giảm cân thất bại
Tập luyện cường độ cao hàng ngày hay để đèn sáng khi ngủ là những nguyên nhân không ngờ tới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân.
Ăn ít chất béo
Chất béo trong chế độ ăn uống, còn được gọi là axit béo, có thể được tìm thấy trong thực phẩm từ cả thực vật và động vật. Nhiều người tin rằng, loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi thực đơn sẽ giúp giảm cân. Tuy nhiên, chất béo rất cần thiết trong chế độ ăn uống bởi chúng hỗ trợ quá trình tiêu hóa, thúc đẩy cơ thể hấp thu protein cũng như carbohydrate hay là nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. Một số cơ quan muốn hoạt động bình thường cũng cần chất béo. Vitamin cần chất béo để hòa tan vào máu và cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể….
Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trên khắp thế giới đều thừa nhận rằng chất béo không bão hòa bao gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa là những loại chất béo tốt cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch. Đây là những chất béo được các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng trong chế độ ăn uống, có nhiều trong quả bơ, các loại cá béo (cá hồi, cá trích…), các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, hướng dương…), đậu hũ, bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân…
Ăn quá nhanh
Các nhà khoa học đã chỉ ra, dạ dày cần ít nhất 20 phút để báo cho não bộ biết rằng đã nạp đủ lượng thực phẩm cần thiết. Nếu ăn quá nhanh, bạn có thể không kịp nhận ra mình đã no, dễ dẫn tới ăn nhiều hơn nhu cầu thực của cơ thể, gây tăng cân mất kiểm soát. Ăn quá nhanh cũng đồng nghĩa với việc nhai không kỹ, khiến thức ăn khó tiêu hóa, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dưỡng chất, dễ làm tích tụ mỡ thừa.
Bỏ bữa
Trong một cuộc khảo sát của Hội đồng Kiểm soát Calories Hoa Kỳ, 17% người tham gia thừa nhận đã bỏ bữa để giảm cân. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ chỉ ra, những người bỏ bữa sáng có nguy cơ béo phì cao gấp 4,5 lần những người ăn đủ bữa. Thực tế, bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng làm chậm quá trình trao đổi chất, tăng cảm giác đói. Khi trao đổi chất chậm, cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng sẽ chuyển sang chế độ tích trữ chất béo, gây tích tụ mỡ thừa. Bỏ bữa cũng khiến bạn có xu hướng ăn nhiều hơn vào bữa sau, dễ gây tăng cân.
Để đèn sáng khi ngủ
Thống kê được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ chỉ ra, những người ngủ trong phòng tối hoàn toàn có nguy cơ béo phì thấp hơn 21% so với những người ngủ trong phòng để đèn ở mức sáng nhất. Các nhà khoa học phát hiện khi tiếp xúc thường trực với ánh sáng đèn vào ban đêm, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ thay đổi, dẫn đến làm tăng trọng lượng ngay cả khi lượng thực phẩm ăn vào và chế độ tập luyện không đổi.
Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
Các nhà khoa học đã chỉ ra, những người ngủ 5 tiếng hoặc ít hơn tích tụ lượng mỡ bụng nhiều gấp 2,5 lần những người ngủ đủ 8 tiếng. Điều tương tự xảy ra khi bạn ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày. Giấc ngủ trung bình mỗi đêm được khuyến nghị là 6 – 7 tiếng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các cơ quan trong cơ thể hoạt động, phục hồi và tái tạo, giúp tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Ngủ đủ giấc cũng giúp giảm cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thèm ăn vặt, đồ ăn chứa nhiều đường, tinh bột.
Tập luyện cường độ cao hàng ngày
Tập thể dục là thói quen rất tốt, tuy nhiên, nếu tập hàng ngày với cường độ cao, cơ thể không có đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi, có thể gây phản tác dụng. Chưa kể, vận động quá mức có thể khiến bạn dễ gặp chấn thương, ảnh hưởng đến quá trình tập luyện nói chung. Tốt nhất, nên dành 1 – 2 ngày trong tuần để nghỉ ngơi hoặc vận động nhẹ nhàng với bài tập đi bộ, yoga, thiền định…
Hải Anh (theo Womenhealthmag)