Cách làm món vịt nấu măng chuẩn ngon
Vịt nấu măng tươi là sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt vịt và măng tươi, thịt vịt thơm ngọt, béo ngậy lại có tính mát, măng tươi giòn sần sật, vị chua nhẹ đặc trưng, thêm chút rau gia vị làm dậy hẳn mùi thơm đặc trưng của món ăn.
Chị Châu Ngọc chia sẻ trên nhóm Facebook Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) công thức làm món vịt nấu măng ngon đúng điệu cho ngày tết Đoan Ngọ.
Nguyên liệu chuẩn bị
– 1 con vịt cỏ khoảng 1,5 – 1,7kg. Nên chọn loại vịt cỏ có cân nặng vừa phải, không quá béo, cầm lên chắc thịt.
– 500g măng. Có thể chọn măng củ hoặc măng búp, tuỳ sở thích của từng người. Măng củ ăn giòn, dày hơn. Măng búp sẽ mềm, mỏng hơn.
– 1 quả chanh, 1 nhúm muối trắng, 1 chén uống trà rượu.
– 1 nhúm cọng hành lá dài khoảng 20cm, lá mùi tàu.
– Gia vị: dầu ăn, bột nêm, hành tím, tiêu, gừng, tỏi.
– Rau ăn kèm: rau húng, diếp cá (tuỳ theo sở thích).
– 500g bún sợi.
Cách chế biến:
Bước 1. Làm sạch vịt và tẩm ướp
– Vịt thường có mùi khá nặng hơn so với gà và các thực phẩm khác nên lúc chế biến chúng ta phải hết sức lưu ý.
– Đầu tiên, rửa sạch vịt dưới vòi nước lạnh, nhổ bỏ các cọng lông còn sót lại trên thân vịt. Sau đó xát muối trắng lên toàn bộ thân vịt, chỗ giáp đùi, cánh thường bị bỏ sót. Tiếp tục xát chanh, rửa lại sạch. Cuối cùng rửa lại toàn thân vịt băng rượu, xả lại sạch và để ráo nước.
Các bạn có thể giã nhỏ gừng để bóp lên thân vịt khử mùi rất tốt.
– Dùng khăn sạch thấm khô nước trên thân vịt.
Để vịt thật ráo nước.
– Tiếp theo chặt nhỏ vịt thành miếng vừa ăn. Có thể loại bỏ bớt phần đầu, cổ, chân dưới của vịt vì những phần đó thương không ngon.
– Lớp da dưới thân vịt thường rất béo, nên nếu chúng ta nấu ngay không qua áp chảo thì thành phẩm thường sẽ quá béo, thịt không được săn và thơm. Chính vì vậy trước khi tẩm ướp, cho vịt vào chảo rộng lòng, áp chảo (đảo sơ) để vịt ra bớt dầu, thịt da săn lại.
Phần mỡ vịt nên bỏ đi.
– Tách vịt ra, cho vào nồi. Hành tím và tỏi bỏ vỏ, đập dập, ướp cùng thịt vịt đã áp chảo cùng 1 thìa bột canh khoảng 20 – 30 phút cho ngấm gia vị.
Bước 2. Sơ chế chuẩn bị măng và rau, bún
– Nếu là loại măng đóng sẵn túi trong các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm sạch thì chỉ cần rửa lại sạch dưới vòi nước, để ráo, thái miếng dày vừa ăn.
– Nếu là các loại măng củ hoặc mua ở chợ, về phải luộc lại 1 – 2 nước đổ đi, xong rửa lại dưới vòi nước và để ráo.
– Măng thái miếng dày vừa ăn.
– Cho chảo và một ít dầu ăn lên bếp đun sôi nóng, thả một ít hành tím băm nhỏ vào xào thơm vàng thì cho măng vào đảo nhanh tay khoảng 5 – 7 phút cùng với một chút bột canh cho ngấm gia vị.
Sau đó xúc ra cho măng vào một bát tô để riêng.
– Rau ăn kèm rửa sạch, để ráo nước. Các món liên quan đến vịt ăn kèm lá diếp cá rất ngon.
– Cọng hành lá và mùi tàu rửa sạch để riêng. Mùi tàu cắt khúc khoảng 1,5cm.
– Bày bún ra đĩa, nếu cẩn thận chần bún qua nước sôi.
Bước 3. Nấu vịt
– Cho nồi vịt đã tẩm ướp lên đảo đều tay khoảng 15 – 20 phút cho vịt chín, có thể thêm một vài lát gừng (tuỳ thích).
– Đổ 4 – 5 bát con ăn cơm nước lọc (lượng nước tuỳ vao nhu cầu ăn của từng gia đình). Đun sôi.
– Thả măng đã xào vào nồi, đun sôi lại, nhỏ lửa, hầm trong thời gian khoảng 20 đến 30 phút, nêm nếm gia vị vừa miệng thì cho cọng hành lá vào, tiếp đó cho mùi tàu vào trộn đều, tắt bếp. Nêm thêm hạt tiêu cho thơm.
Bước 4.Thưởng thức
– Thành phẩm với nước dùng béo ngậy, thơm của vịt, măng và các gia vị kết hợp lại với nhau.
– Miếng thịt vịt săn, chắc, mềm ngon, đậm đà. Miếng măng tan chảy trong miệng.
– Vịt nấu măng rất ngon khi thưởng thức kèm với bún sợi, ít rau gia vị như rau ngổ, rau húng, diếp cá…
Hà Phương/TH