Trà Quế – Loại trà giảm đường huyết rất tốt, bảo vệ tim mạch.
Trà quế được làm từ vỏ cây quế sấy khô hoặc đã được nghiền thành bột, hãm với nước sôi. Trà quế chứa các hợp chất chống oxy hóa có lợi, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau như hỗ trợ giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm đau bụng kinh, giảm viêm và giảm lượng đường trong máu.
1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Trà quế có chứa nhiều chất chống oxy hóa, những hợp chất có lợi đối với cơ thể. Chất chống oxy hóa chống lại quá trình oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do – những phân tử gây hại cho tế bào cơ thể và góp phần gây ra các bệnh như tiểu đường, ung thư và tim mạch.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy rằng các hợp chất trong quế có thể làm giảm các dấu hiệu viêm. Chứng viêm được cho là căn nguyên của nhiều bệnh mạn tính, bao gồm cả bệnh tim. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy quế có thể làm giảm huyết áp cũng như nồng độ chất béo trung tính và cholesterol LDL (mỡ máu có hại). Hơn nữa, quế có thể làm tăng mức cholesterol HDL (mỡ máu có lợi), giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách loại bỏ cholesterol dư thừa khỏi mạch máu.
Một đánh giá của 10 nghiên cứu cho thấy rằng, tiêu thụ ít nhất 120mg quế – dưới 1/10 thìa cà phê – mỗi ngày có thể giúp bạn có được những lợi ích này.
Đặc biệt, quế đơn (quế Cassia – có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam) có chứa một lượng lớn coumarin tự nhiên, một nhóm các hợp chất giúp ngăn chặn sự thu hẹp của mạch máu và bảo vệ chống lại cục máu đông. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều coumarin có thể làm giảm chức năng gan và tăng nguy cơ chảy máu, vì vậy hãy đảm bảo bạn tiêu thụ quế ở mức độ vừa phải.
2. Giúp giảm lượng đường trong máu
Theo một nghiên cứu của Khoa Hóa – Lý – Sinh học phân tử, Đại học Bang Iowa (Mỹ), quế có tác dụng giảm lượng đường trong máu. Loại gia vị này hoạt động theo cách tương tự như insulin, hormone chịu trách nhiệm đưa đường ra khỏi máu và vào các mô của cơ thể.
Hơn nữa, các hợp chất được tìm thấy trong quế có thể góp phần làm giảm lượng đường trong máu bằng cách giảm việc kháng insulin.
Quế cũng có thể làm chậm quá trình phân hủy carbs trong ruột, ngăn lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn.
3. Chống lại vi khuẩn và nấm
Quế có một số đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh. Một nghiên cứu trong ống nghiệm của Viện Nghiên cứu Thảo dược, Đại học Amity, Ấn Độ cho thấy cinnamaldehyde, thành phần chính trong quế giúp ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn và nấm mốc gây bệnh cho người bao gồm Staphylococcus, Salmonella và E.coli.
Ngoài ra, quế có thể giúp giảm hôi miệng và ngăn ngừa sâu răng. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn ở người trước khi có thể đưa ra kết luận chính xác.
4. Giảm đau bụng kinh
Trà quế có thể làm giảm một số triệu chứng kinh nguyệt, chẳng hạn như đau bụng kinh. Một nghiên cứu đã cho những phụ nữ dùng 3 gam quế hoặc giả dược trong 3 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Những phụ nữ trong nhóm dùng quế ít bị đau bụng kinh hơn đáng kể so với những phụ nữ được dùng giả dược.
5. Chống lão hóa da
Các nghiên cứu cho thấy quế có thể thúc đẩy sự hình thành collagen, tăng độ đàn hồi và hydrat hóa của da – tất cả đều có thể làm giảm lão hóa da.
6. Chống ung thư
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất quế có thể giúp tiêu diệt một số loại tế bào ung thư, ví dụ như tế bào ung thư da.
7. Bảo tồn chức năng não
Nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy quế có thể bảo vệ tế bào não khỏi bệnh Alzheimer và cải thiện chức năng vận động ở những người mắc bệnh Parkinson.
Cách dùng trà quế
Trà quế cực kỳ dễ làm và kết hợp vào chế độ ăn uống của bạn. Bạn có thể uống trà ấm hoặc uống lạnh.
Cách đơn giản nhất để làm đồ uống này là chỉ cần thêm 1 thìa cà phê (2,6g) quế xay vào 1 cốc (235ml) nước đun sôi và khuấy đều. Bạn cũng có thể pha trà quế bằng cách ngâm một thanh quế trong nước sôi khoảng 10 – 15 phút.
Ngoài ra, bạn có thể tìm mua túi trà quế có sẵn ở các chợ hoặc siêu thị uy tín tại địa phương.
Trà quế tự nhiên không chứa caffeine nên có thể thưởng thức bất cứ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, nếu bạn đặc biệt quan tâm đến tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, bạn có thể dùng nó trong bữa ăn của mình để đạt được hiệu quả cao nhất.
Nếu bạn đang dùng thuốc hạ đường huyết, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi muốn sử dụng trà quế hàng ngày.
Ngoài ra, quế có chứa một chất hóa học gọi là coumarin. Tiêu thụ quá nhiều chất này có thể gây tổn thương gan, tụt đường huyết. Người lớn không nên ăn nhiều hơn một thìa quế mỗi ngày, trẻ em nên ăn lượng ít hơn.
(Nguồn: Healthline)